Cổ phiếu API bứt phá, cổ đông lớn nước ngoài thoái vốn - Công Ty Cổ Phần Chứng Khoán Châu Á Thái Bình Dương

(ĐTCK) Là doanh nghiệp lớn với hàng loạt dự án nghìn tỷ, nhưng giá cổ phiếu API vẫn luôn lẹt đẹt do sự xung đột lợi ích giữa hai nhóm cổ đông lớn.

Sau 5 năm liên tục phủ quyết, cổ đông lớn nước ngoài đã quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi API, mở ra cơ hội bứt phá cho cổ phiếu này sau nhiều năm căng thẳng.

Hồi kết của “cuộc chiến vương quyền”

CTCP Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (mã CK: API) được thành lập ngày 31/7/2006 với mức vốn điều lệ 364 tỷ đồng. Sớm đặt chân vào lĩnh vực bất động sản, API sở hữu quỹ đất lớn, vị trí đắc địa tại các tỉnh thành giàu tiềm năng, có tốc độ đô thị hóa cao.

Mặc dù liên tiếp đạt được doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng trong vòng 3 năm trở lại đây nhưng chính mâu thuẫn nội bộ gay gắt giữa nhóm cổ đông nội và cổ đông ngoại là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu API không thể bứt phá trong nhiều năm liền.

Với tỷ lệ nắm giữ gần 36% (tính đến tháng 5/2021), nhóm cổ đông ngoại bao gồm Asean Deep Value Fund (ADVF) và Lucerne Enterprise Ltd cùng một số cổ đông nước ngoài khác nắm quyền phủ quyết và không thông qua hầu hết các nghị quyết trong các kỳ ĐHĐCĐ.

Ngay tại kỳ ĐHĐCĐ gần nhất năm 2021, đại diện nhóm này chỉ thông qua báo cáo tài chính và tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt 10%, đồng thời phủ quyết toàn bộ các nghị quyết tăng vốn điều lệ, phát hành ESOP, phát hành riêng lẻ và nhiều quyết định quan trọng khác.

Theo lãnh đạo API, để phát triển vững về quy mô, nhanh về tốc độ thì không thể thiếu được việc huy động thêm vốn chủ sở hữu, đặc biệt với các dự án quy mô lớn, yêu cầu chứng minh năng lực tài chính mà vốn chủ sở hữu là một trong những chỉ tiêu để cơ quan chức năng xem xét đánh giá. Việc khối ngoại phủ quyết hầu hết các quyết định quan trọng, đặc biệt là việc phát hành tăng vốn đang cản trở API trong công cuộc đua tranh để phát triển.

Tuy nhiên, vào ngày 09/09/2021, “cuộc chiến vương quyền” đã đi đến hồi kết khi các cổ đông ngoại đã thoái toàn bộ 12,7 triệu cổ phiếu theo hình thức thỏa thuận. Đây cũng là khối lượng tương đương với gần 36% vốn của API và xấp xỉ với lượng cổ phần đang được 2 nhà đầu tư ngoại Lucerne Enterprise và ASEAN Deep Value Fund nắm giữ tại API.

Cổ phiếu API sẵn sàng bứt phá?

Trong phiên khối ngoại thoái vốn, cổ phiếu API tăng trần lên 26.700 đồng và tiếp tục có thêm 3 phiên tăng liên tiếp sau đó, trong đó có 2 phiên tăng trần liên tiếp, kết phiên ngày 14/9 ở mức 33.800 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng giá 2,4 lần kể từ đầu năm tới nay và là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, cho thấy sự kỳ vọng của thị trường sau động thái cổ đông nước ngoài thoái vốn.

Là công ty đầu tiên của Apec Group đầu tư vào bất động sản, API sở hữu nội lực mạnh hơn nhiều so với những gì bề nổi doanh nghiệp này đang thể hiện và không hề kém cạnh so với hai người anh em IDJ, APS.

Số liệu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ngày 09/09/2021.

Các bất động sản đắt giá của API có thể kể đến như dự án Apec Royal Park Huế với quy mô 34,7ha và tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng; Apec Mandala Wyndham Phú Yên với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đang trong giai đoạn bàn giao; Apec Aqua Park Bắc Giang – công trình biểu tượng của TP. Bắc Giang có tổng mức đầu tư 1.600 tỷ đã đón những cư dân đầu tiên về sinh sống; Khu công nghiệp Đa Hội với quy mô 34,5ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ… cùng nhiều quỹ đất đắt giá tại Ninh Thuận, Quảng Trị, Lạng Sơn, Thái Nguyên…

Với dòng tiền người mua trả trước đạt 1.069 tỷ đồng, chiếm 39% tổng nguồn vốn và gấp 2,18 lần tổng doanh thu năm 2020, các dự án bất động sản mà API đang phát triển dự kiến sẽ đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận rất lớn trong năm 2021, riêng dự án Apec Royal Park Huế dự kiến ghi nhận hơn 315 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2021 – 2022. Đây là những động lực để API sẵn sàng bứt phá thời gian tới.

Đáng nói, vốn điều lệ doanh nghiệp này chỉ vỏn vẹn 364 tỷ đồng, tỷ lệ vay nợ rất thấp, chỉ 20,36% trên tổng tài sản doanh nghiệp (tính đến ngày 30/06/2021) nhưng API vẫn thực hiện thành công hàng loạt dự án lớn trị giá hàng ngàn tỷ đồng với doanh thu và lợi nhuận liên tục tăng trưởng.

Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán APEC (APS), năm 2020, cổ phiếu API tăng trưởng 53,85% và kể từ đầu năm 2021 tới nay, cổ phiếu này tiếp tục tăng 143%.

Cộng hưởng với việc loại bỏ được lực cản từ khối ngoại và doanh thu lớn từ các dự án bất động sản được hạch toán, cổ phiếu API được dự báo sẽ còn tăng trong thời gian tới với mức giá mà APS khuyến nghị là 76.000 đồng, nắm giữ tầm nhìn dài hạn với lợi nhuận kỳ vọng 125%.